Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới

Ngày Môi trường thế giới 05/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

Ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6) do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm 2023 được Liên hợp quốc phát động “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” (Planet Ocean: Tides are Changing), với ý nghĩa Đại dương bao phủ phần lớn Trái đất, nhưng mới một phần nhỏ các vùng biển được khám phá.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01/6 - 08/6) năm 2023 được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.

Nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6) năm 2023 theo hướng dẫn tại Công văn số 3556/BTNMT-TTTT ngày 19/5/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (sau đây viết tắt là Viện Hàn lâm) đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ đề của những sự kiện nêu trên, cụ thể như sau:

I. Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2023

1. Tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

2. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

3. Treo pano, băng rôn, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp (khẩu hiệu tuyên truyền tại Phụ lục kèm theo); tuyên truyền các mô hình điển hình trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Sử dụng đa dạng các công cụ, phương thức tuyên truyền trên các nền tảng công nghệ và mạng xã hội để lan tỏa tới toàn thể viên chức, người lao động về “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” và hành động “Chống ô nhiễm nhựa”. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa.

4. Căn cứ điều kiện thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6 năm 2023, tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; đẩy mạnh thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilong khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

5. Giao Trung tâm Tin học và Tính toán và Trung tâm Thông tin - Tư liệu tăng cường các bài viết với chủ đề về Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023 trên Cổng Thông tin điện tử của Viện Hàn lâm và Trang Thông tin điện tử của đơn vị.

II. Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

1. Tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo, đại dương và tài nguyên, môi trường biển, đảo trong phát triển bền vững.

2. Tăng cường nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo cũng như hệ thống thông tin thủy triều, hải văn để phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

3. Treo pano, băng rôn, áp phích về chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2023 (khẩu hiệu tuyên truyền tại Phụ lục kèm theo). Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, truyền thông và thông tin đối ngoại về biển, đảo Việt Nam; đổi mới và đa dạng hóa về hình thức, nội dung, phương thức tuyên truyền. Phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

4. Căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

5. Giao Trung tâm Tin học và Tính toán và Trung tâm Thông tin - Tư liệu tăng cường các bài viết với chủ đề về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới (08/6) năm 2023 trên Cổng Thông tin điện tử của Viện Hàn lâm và Trang Thông tin điện tử của đơn vị.

Các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp và gửi báo cáo kết quả thực hiện (báo cáo, tư liệu và hình ảnh) về Văn phòng Viện Hàn lâm (gửi kèm file mềm về địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ) trước ngày 15/7/2023 để tổng hợp.

Thanh Hà