Tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch năm 2022

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) là một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tháng 9 hàng năm. Tại Việt Nam, Chiến dịch do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhằm tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường.

 Để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 theo hướng dẫn tại Công văn số 5352/BTNMT-TTTT ngày 12/9/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành văn bản số 1919/VHL-VP ngày 21/9/2022 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 trên toàn Viện.

Năm 2022, Chiến dịch được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động và tổ chức trên phạm vi toàn cầu tiếp tục với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, kêu gọi các quốc gia cùng nhau hành động để tạo nên một sự thay đổi lớn cho môi trường toàn cầu.

13092022-poster-chien-dich

Poster Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Việt Nam đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn từ năm 1994 bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Chủ đề của chiến dịch năm 2022 “Cùng hành động để thay đổi thế giới” là sự tiếp nối chủ đề tại Chiến dịch năm 2021 và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2022 cũng là dịp tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Lồng ghép nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, điểm nóng về ô nhiễm môi trường…; kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí. Bên cạnh đó, khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 bằng các hoạt động cụ thể như: phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường; trồng cây; cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch…; quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường tại địa phương, đơn vị như thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định, các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân.

13092022-khau-hieu-Cdich-tgsach2022

Một số khẩu hiệu tuyên truyền trong chiến dịch

Bên cạnh chủ đề chính của Chiến dịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hướng dẫn các khẩu hiệu được thực hiện cho Chiến dịch năm nay gồm: “Tất cả vì môi trường xanh sạch đẹp”, “Môi trường hôm nay – Cuộc sống ngày mai”, “Môi trường là cuộc sống – Cuộc sống là môi trường”, “Mỗi người đều có thể làm cho thế giới sạch hơn”, “Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi công dân và trách nhiệm của toàn xã hội”, “Sống tốt cho môi trường là sống tốt cho chính mình”, “Chúng ta cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu”.

Tổng hợp: Mai Lan