Trung Tâm Tin học và Tính toán tham gia Bài giảng đại chúng "Thị giác người - Thị giác máy"

Tiếp nối các sự kiện về bài giảng đại chúng, ngày 16/9/2022, Trung tâm Thông tin - Tư liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - VAST phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam tổ chức Bài giảng có tựa đề "Thị giác người - Thị giác máy". Với sự tham gia của 2 diễn giả là PGS. TS. Phạm Hồng Dương (Viện Khoa học vật liệu, VAST) và PGS. TS. Phạm Hồng Quang (Trung tâm Tin học và Tính toán, VAST), bài giảng đã thu hút các nhà khoa học, sinh viên của các trường đại học, các độc giả yêu thích khám phá tri thức khoa học tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

BaiGiangThiGiac-CIC

Bài giảng đại chúng diễn ra dưới cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom

Trong khuôn khổ bài giảng “Mắt và Thị giác người”, PGS.TS. Phạm Hồng Dương đã đề cập đến kiến thức cơ bản về thị giác người, như chức năng và hoạt động xử lý của hệ thống thị giác từ góc nhìn vật lý. Ai cũng biết mắt có chức năng chính là thông tin thị giác để nhận biết hình dạng, màu sắc, chữ viết… Nhưng, theo PGS.TS. Phạm Hồng Dương, mắt còn có chức năng trao đổi cảm xúc và điều chỉnh nhịp sinh học. Cụ thể hơn, ánh sáng điều tiết tâm trạng, đồng tử và giấc ngủ qua mắt. Cấu trúc thị giác của mắt người có thể hình dung tương tự như camera của máy ảnh. Từ những kiến thức cơ bản về hệ thống thị giác, PGS.TS. Phạm Hồng Dương cũng đề cập đến tác động của ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo đến đôi mắt. Ánh sáng tự nhiên trong rừng cây tốt nhất cho mắt người. Còn chiếu sáng nhân tạo phải đảm bảo ba chức năng quan trọng, cụ thể là: nâng cao thị lực, điều chỉnh nội tiết và an toàn cho mắt. PGS.TS. Phạm Hồng Dương và các cộng sự đã nghiên cứu và phát triển phương pháp chiếu sáng Dưỡng sinh HCL (Human Centric Lighting): Giả lập bầu trời tự nhiên. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nguyên nhân của tật khúc xạ đang gia tăng hiện nay ở con người.

BaiGiangThiGiac-CIC2

PGS.TS. Phạm Hồng Dương và bài giảng "Mắt và thị giác người"

“Một số trao đổi về Thị giác máy” là bài giảng tiếp theo do PGS.TS. Phạm Hồng Quang trình bày. Trước sự phát triển của khoa học và công nghệ, thị giác máy tính được xem là một ứng dụng cụ thể thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng không gian ảo - kỷ nguyên phát triển của khoa học hiện đại, giúp thu thập dữ liệu sau đó tiến hành xử lý như con người. Từ khởi đầu của trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà nghiên cứu đã phát triển công nghệ cho phép máy tính có thị giác, bắt đầu với các hình ảnh hai chiều để làm thống kê nhận dạng mẫu. Năm 1978, Viện Công nghệ Massachusetts bắt đầu ngoại suy 3D từ các khung 2D do máy tính tạo ra thì ứng dụng thực tế của thị giác máy mới trở nên rõ ràng. Theo PGS.TS. Phạm Hồng Quang, việc nhận dạng hình ảnh được coi là ứng dụng phổ biến nhất trong thị giác máy tính, nhằm mục đích chuyển đặc điểm trưng bày này của con người vào máy tính để máy tính có thể hiểu và phân tích các hệ thống phức tạp giống như con người hoặc thậm chí tốt hơn. Thành phần của thị giác máy, gồm: thiết bị chụp ảnh (thường là một camera có chức một cảm biến hình ảnh và một ống kính), đen thích hợp cho các ứng dụng cụ thể (trắng, hồng ngoại, laser), máy tính (hiện nay các camera thông minh được gắn chip chuyên dụng vừa nhận ảnh vừa xử lý), phần mềm xử lý ảnh, đường truyền dữ liệu cho mạng hoặc bộ phận chấp hành. Hiện nay, tại Việt Nam, thị giác máy được ứng dụng nhiều ở lĩnh vực giao thông, tiêu biểu như hệ thống giám sát giao thông thông minh và thu phí trên dường cao tốc; hệ thống phát hiện vi phạm, phạt nguội trong giao thông tại các thành phố; hệ thống đo đếm lưu lượng điều khiển tối ưu đèn tính hiệu thời gian thực; hệ thống giám sát cảnh giới bầu trời ở miền Nam, phát hiện FOD trên đường cất hạ cánh tại sân bay; cảnh báo cháy rừng ở Sóc Sơn; hệ thống dẫn đường nông nghiệp (AGS) sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính thị giác (VINS).

 

BaiGiangThiGiac-CIC3

 

BaiGiangThiGiac-CIC4

PGS.TS. Phạm Hồng Quang chia sẻ vấn đề "Thị giác máy” và sự phát triển ứng dụng của "Thị giác máy"

Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho 02 diễn giả. Các vấn đề xoanh quanh dữ liệu đầu vào của các hệ thống có ứng dụng thị giác máy, cũng như việc mở rộng ứng dụng phương pháp chiếu sáng dưỡng sinh HCL tại các không gian học tập và nghiên cứu...

Bài giảng đại chúng “Thị giác người - Thị giác máy” đem đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc, hữu ích và cụ thể hơn về một trong những giác quan quan trọng nhất của con người, khả năng ứng dụng và tiềm năng để phát triển thị giác nhân tạo (Thị giác máy).

BaiGiangThiGiac-CIC1

Chụp hình lưu niệm